Soạn câu trả lời speaking để học có giúp nói lưu loát không?
Câu hỏi này khiến mình băn khoăn cũng đã lâu, hồi đầu tháng này mình còn băn khoăn hơn nữa khi xuất hiện bài viết của một người tự xưng là giám khảo IELTS về việc này (Tại Sao Câu Trả Lời Forecast/Thuộc Lòng IELTS Speaking Không Hiệu Quả: Góc Nhìn Của Giám Khảo).
Mình viết bài này với tư cách là một người đang trên hành trình nâng điểm IELTS speaking từ 5.5 lên ít nhất 7 (mình thi 3 lần rồi và điểm loanh quanh 5.5 và 6 thôi), chứ không phải giáo viên hay đã từng đạt điểm IELTS band 8 9 (mình chỉ đạt 9 cho Reading và 7 cho Writing, Listening thì 7.5). Mình vẫn đang luyện tập theo cách này và chưa đi thi lại nên chưa có minh chứng bản thân. Mọi người có thể bỏ qua bài này nếu cảm thấy minh chứng từ các nguồn khác là chưa đủ mạnh.
Quay lại câu hỏi này, câu trả lời rất đơn giản: phụ thuộc vào cách mình soạn và cách học.
Trên hành trình tìm được câu trả lời đó, mình tình cờ bắt gặp clip “Do this daily to take your speaking skills from beginner/intermediate to advanced level” (https://www.youtube.com/watch?v=C2lEpVFPQcE) của Youtuber Mikel - anh là một hyperpolyglot và language coach.
Mikel đề cập tới tập hợp các mẫu câu cho các tình huống nhất định được gọi là “language islands”. Thuật ngữ này không mới, được đề xuất bởi Boris Shekhtman trong cuốn “How to Improve Your Foreign Language Immediately” của ông. Các mẫu câu này được soạn cho chính bản thân, để diễn đạt điều bản thân muốn nói, bao gồm các chủ đề nói về cá nhân và cả những chủ đề không liên quan tới cá nhân mà bàn luận về thế giới xung quanh (lịch sử, môi trường, văn hóa, …).
Khi có các tập hợp này rồi, chuyển thành file âm thanh và luyện tập với nó (đọc, nghe và lặp lại, nói theo) thật nhiều lần tới nỗi thành phản xạ, chỉ đơn giản là buộc miệng nói ra cái mình muốn diễn đạt thôi, không có cảm giác “rặn” hay đọc như robot để trả lời.
Sau đó, tiếp tục mở rộng “language islands” bằng cách thử nói tự do và ghi âm trong vòng 1 phút về bất kì chủ đề gì mà mình muốn để kiểm tra thử xem cái nào mình muốn nói nhưng chưa nói được hoặc nói chưa hay. Từ đó, chuẩn bị câu trả lời và nạp vào “language islands” để mở rộng vốn câu. Cứ như vậy mà tiếp tục vòng lặp.
Tóm lại, việc này cũng có thể xem là “học thuộc” nhưng ở mức độ sâu, đủ biến thành phản xạ và “thuộc” bài mẫu tự soạn cho bản thân, không phải của người khác soạn sẵn. Các topic forecast là hình thức để mở rộng “language islands”.
Nếu chỉ để phục vụ cho IELTS Speaking (academic và general) thì luyện tập với “language islands” là đủ vì nó là bài thi độc thoại, chỉ một bên hỏi và một bên trả lời, không có cơ hội giao tiếp lại nên nó không phải là một cuộc hội thoại cân xứng. IELTS Life Skills mới có tiết mục cho hai thí sinh đối thoại với nhau thì mới là hội thoại cân xứng.
Để ứng dụng “language islands” trong hội thoại với người bản xứ, giữ cho cuộc trò chuyện được tiếp nối, không bị đi vào ngõ cụt thì mọi người nên tìm đọc cuốn “How to Improve Your Foreign Language Immediately” fifth edition của Boris Shekhtman để đọc tiếp về các công cụ còn lại, “language islands” chỉ là một trong 7 công cụ được đề xuất. Boris Shekhtman là giáo viên người Mỹ dạy tiếng Nga. Tiểu sử của ông có thể đọc thêm tại https://msipress.com/authors/boris-shekhtman/.